CẨM NANG 

Cẩm nang ăn dặm 3 trong 1 cho bé 6 tháng


Nên cho bé ăn dặm kiểu truyền thống, kiểu Nhật hay BLW (Baby Led Weaning - ăn dặm bé chỉ huy)?

Các bà mẹ thường cảm thấy rất khó khăn khi phải lựa chọn 1 phương pháp ăn dặm phù hợp cho con.

Đừng lo! Cuốn cẩm nang này sẽ trang bị đầy đủ kiến thức của cả 3 phương pháp ăn dặm để bạn hết hoang mang trong những năm tháng đầu đời của bé.

Tùy thuộc vào gợi ý của cẩm nang và hoàn cảnh của gia đình mà bạn có thể lựa chọn 1 phương pháp phù hợp.

Hoặc có thể kết hợp cho bé ăn với 3 phương pháp cùng lúc. 

Nào, chúng ta cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé!

Chapter 1

Nhận biết 6 dấu hiệu con đã sẵn sàng ăn dặm


Chỉ còn 1,2 tuần nữa là bé nhà bạn bước sang mốc 6 tháng tuổi.

Nhưng bạn vẫn lăn tăn rằng nên để bé ăn dặm ngay bây giờ cho cứng cáp hay đợi đến đúng 6 tháng tuổi mới bắt đầu?

Tôi hiểu bạn muốn con có đầy đủ dinh dưỡng để phát triển tốt nhất.

Nhưng đừng vì điều đó mà bắt con làm người lớn sớm khi bé chưa thực sự sẵn sàng.

Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy bé nhà bạn đang háo hức muốn khám phá thế giới đồ ăn mới, ngoài sữa.

Dấu hiệu 1: Bé đủ 6 tháng tuổi

Theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu Nhi khoa Hoa Kỳ, thời điểm hợp lý nhất để cho trẻ tập ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.

Bởi nguồn sữa mẹ lúc này đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nữa.

Tuy nhiên, một số bà mẹ quá nóng vội khi cho trẻ ăn dặm quá sớm, với mục tiêu để con cứng cáp và chóng lớn hơn.

Thật không may, đây lại là cách nhanh nhất làm tổn thương hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.

Bởi cơ thể của trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ chấp nhận tiêu hóa dạng thức ăn lỏng như sữa mẹ.

Vì vậy, trước khi bé nhà bạn tròn 6 tháng tuổi, hãy để bé tiếp tục bú mẹ đến no nê.

Nếu bạn không đủ sữa cho con bú, hãy bổ sung cho con bằng sữa công thức.

Dấu hiệu 2: Bé có thể ngồi tựa lưng vững vàng

Nhiều bà mẹ nói rằng con tôi đã đủ 6 tháng nhưng bé chưa biết ngồi.

Thế nên tôi cứ đặt bé nằm và đút bột cho bé ăn.

Thực tế thì đây là tư thế tối kỵ khi cho bé ăn dặm. Bởi nó dễ làm bé bị sặc hoặc ngạt đường tiêu hóa, rất nguy hiểm.

Các bà mẹ cũng không nên một tay bế con, một tay đút bột cho bé. Vì tư thế này sẽ làm các bà mẹ khó kiểm soát khi con mình không hợp tác.

Nguy hiểm hơn, nếu mẹ không ôm chặt, bé còn có thể bị ngã, rất nguy hiểm.

Vì vậy, tốt nhất là bạn nên tập cho bé ngồi vững chãi khi tựa lưng rồi mới tập ăn dặm.

Dấu hiệu 3: Bé nuốt nước bọt khi thấy người lớn ăn

Điều này cho thấy bé đang thòm thèm đồ ăn mới lắm đây? Thật đáng yêu!

Tuy nhiên, miệng bé tiết nước bọt khi thấy đồ ăn còn chứng tỏ bé đã có khả năng tiêu hóa được tinh bột nhờ men amylase có trong nước bọt.

Mẹ hãy tinh ý quan sát dấu hiệu này của bé nhé!

Dấu hiệu 4: Bé vẫn đói sau khi bú mẹ đầy đủ

Bé nhà bạn vẫn đói, mặc dù đã được bú từ 8-10 cữ/ngày? 

Hoặc lượng sữa bé uống hàng ngày đã được khoảng 1l?

Ồ, đây chính là dấu hiệu cho bạn biết rằng việc chỉ uống sữa không còn làm bé no nê như ngày xưa nữa.

Cơ thể bé đang đòi hỏi được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Nếu bé cũng đã có đầy đủ các dấu hiệu ăn dặm khác thì đây chính là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu rồi.

Dấu hiệu 5: Bé biết giữ bột trong miệng và nuốt

Một cách nữa để mẹ thử nhận biết thời điểm ăn dặm của bé.

Đó là cho bé ăn thử một thìa bột và quan sát.

Nếu bé không còn dùng lưỡi để đưa thức ăn ra ngoài miệng,

Bé biết giữ bột ở trong miệng và nuốt.

thì đã đến lúc mẹ cần chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé rồi.

Dấu hiệu 6: Bé biết nhai và dùng lưỡi để di chuyển thức ăn

Cuối cùng, hãy quan sát phản ứng của bé với đồ ăn.

Nếu bé đã bắt đầu biết nhai (có thể nhai bằng lợi khi chưa mọc răng) hoặc biết cách dùng lưỡi để di chuyển thức ăn thì xin chúc mừng.

Bé đã học được các kỹ năng ăn uống phức tạp hơn và sẵn sàng trải nghiệm những món ăn mới.

Chapter 2

10 nguyên tắc vàng cần thiết lập để con ăn ngon, có kỷ luật


Bạn có khó chịu không khi bụng đã no mà vẫn bị ép phải ăn hết?

Bạn có phản đối khi bị ép ăn trong 2,3 tiếng đồng hồ lê thê mệt mỏi?

Nếu câu trả lời của bạn là có thì con của bạn cũng vậy.

Vì thế, đừng vì tiếc công chuẩn bị đồ ăn mà ép con làm những điều mà ngay cả bạn cũng không muốn.

Cũng đừng nhìn những đứa trẻ hàng xóm mà tạo áp lực lên con mình, vô tình làm bé sợ ăn.

Nhưng làm thế nào để con ăn uống ngon lành và có kỷ luật?

10 quy tắc bàn ăn cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn:

Nguyên tắc 1: Không cho bé xem hoạt hình khi ăn

Không thể phủ nhận việc này sẽ giúp bé ăn uống dễ dàng hơn. Nhưng việc này thực chất có hại nhiều hơn là lợi.

Bởi lúc này, trẻ chỉ biết há miệng ăn theo phản xạ chứ không tập trung vào thức ăn, vì vậy bé sẽ không cảm nhận được vị ngon của đồ ăn.

Việc mất tập trung khi ăn còn làm giảm men tiêu hóa tiết ra ở dạ dày. Dạ dày sẽ vất vả hơn nhiều để tiêu hóa được thức ăn. 

Chưa kể khi xem những video hài hước, buồn cười, bé sẽ dễ bị sặc thức ăn vào đường thở, vô cùng nguy hiểm.

Nguyên tắc 2: Không mắng mỏ hay dọa nạt khi bé không ăn

Từ trong thâm tâm, tôi tin rằng không bà mẹ nào muốn quát mắng con mình khi bé từ chối đồ ăn.

Nhưng điều này quả thật không dễ dàng.

Bởi các bà mẹ thường chịu áp lực từ người thân, từ việc so sánh với con nhà người ta. Chuẩn bị đồ ăn công phu mà con từ chối cũng thật khó giữ bình tĩnh.

Nhưng hãy cố kiềm chế và cân nhắc hành động của mình.

Vì cơn tức giận bất ngờ bộc phát trong 1 phút của bạn có thể sẽ là nguồn cơn làm bé bị biếng ăn tâm lý đến cả nhiều năm sau này.

Nguyên tắc 3: Khen ngợi trẻ khi ăn tốt

Nếu bé bắt đầu thấy hào hứng với bữa ăn dặm, bạn đừng tiếc lời khen dành cho bé.

Tuy nhiên, hãy tránh những câu quá chung chung như “con mẹ giỏi quá”.

Bạn hãy khích lệ bé một cách cụ thể, ví dụ như “Hôm nay con mẹ ăn được món mới rất là ngon”.

Bé sẽ có tinh thần tích cực và dễ dàng đón nhận những món ăn mới mẻ sắp tới.

Nguyên tắc 4: Để con tự ăn, dù bé có thể bôi bẩn

Bạn muốn “nhàn thân” hơn mà con vẫn thích thú với chuyện ăn uống?

Hãy cho bé cơ hội được tự thưởng thức đồ ăn của mình.

Dù trong ngắn hạn, bạn có thể chưa thấy được hiệu quả của việc này. Vì bé có thể bôi bẩn khắp nơi khiến bạn phải dọn dẹp vất vả.

Nhưng cách làm này sẽ khiến bé tập trung tâm trí hoàn toàn vào đồ ăn ở trước mắt.

Việc ăn đối với bé lúc này sẽ như một trải nghiệm thú vị, khiến bé chẳng thể rời mắt.

Và chỉ sau ít tháng, em bé của bạn sẽ tự lập hơn và có thể xúc ăn một cách gọn gàng.

Nguyên tắc 5: Cung cấp thức ăn phù hợp lứa tuổi

Hệ tiêu hóa của trẻ những năm đầu đời còn rất non nớt, không giống như chúng ta.

Vì vậy, khi cho trẻ tiếp xúc với thức ăn mới, các bà mẹ cần cẩn thận cân nhắc.

Theo khuyến cáo của viện dinh dưỡng quốc gia, thời gian đầu trẻ chỉ nên ăn thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo với rau, củ, quả.

Từ 9-11 tháng, trẻ có thể ăn thêm trứng, thịt, cá, hải sản.

Bố mẹ không nên vì quá nóng vội mà cho bé ăn những thực phẩm chưa phù hợp với cơ thể bé.

Vì điều này có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ vô tình bị sợ ăn và biếng ăn.

Nguyên tắc 6: Giới hạn thời gian bữa ăn chỉ 20-30 phút

Hãy tưởng tượng, bạn bị ép ngồi một chỗ và ăn liên tục trong 2,3 tiếng đồng hồ. Điều này thật kinh khủng.

Đây chính xác là những cảm xúc không được nói ra thành lời của bé.

Vì vậy, đừng ép con làm những việc mà bản thân bạn cũng ngao ngán.

Việc kéo dài thời gian cho bữa ăn chỉ vì tiếc 1,2 miếng sẽ chỉ khiến bé hiểu rằng mình có thể ăn trong bao lâu cũng được.

Bé sẽ cảm thấy việc tập trung ăn uống là không cần thiết.

Và thói quen này của bé sẽ chỉ khiến cả bạn và bé thêm mệt mỏi.

Hãy cứng rắn lên. Đặt đồng hồ để báo hiệu giờ bắt đầu và kết thúc bữa ăn một cách đều đặn, bạn sẽ tạo được thói quen ăn uống lành mạnh cho bé.

Nguyên tắc 7: Giới thiệu món ăn kiên trì và có hệ thống

Trải nghiệm món ăn mới sẽ thật tuyệt vời nếu món ăn này hợp khẩu vị của con.

Nhưng nếu điều ngược lại xảy ra thì sao?

Lời khuyên cho các bà mẹ là hãy tôn trọng cảm nhận của bé.

Nếu bé nhăn mặt, hãy cho bé thêm thời gian để thích nghi với hương vị mới, chờ đến khi bé nuốt rồi mới cho bé ăn thêm.

Tuy nhiên, nếu bé kiên quyết ngậm miệng hoặc quay đầu, hãy thử lại món ăn này vào một ngày khác.

Khi quay lại, bạn có thể thử đổi cách chế biến và quan sát khả năng tiếp nhận của bé.

Đặc biệt, hãy kiên trì giới thiệu mỗi loại thực phẩm cho bé trong 3-5 ngày.

Với cách này, bạn có thể nhận ra con mình có bị dị ứng với loại thực phẩm đó hay không, từ đó giữ lại hoặc loại bỏ khỏi thực đơn của bé.

Nguyên tắc 8: Không cho con uống nước ngọt giữa bữa ăn

Đừng cho rằng nước ngọt chỉ bao gồm các loại nước có gas. 

Các loại nước ép trái cây, nước tăng lực, nước khoáng có hương vị cũng được coi là nước ngọt.

Nhiều mẹ nghĩ rằng cho con dùng nước ép trái cây để hấp thu nhiều vitamin hơn.

Nhưng nước trái cây khi được ép ra lại rất đặc và có quá nhiều đường.

Việc hấp thu quá nhiều đường sẽ khiến bé dễ bị sâu răng, đầy bụng và biếng ăn.

Chưa kể điều này còn tạo thêm cho bé thói quen xấu khi ăn uống.

Nguyên tắc 9: Cân đối chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của bé

Nhiều mẹ thắc mắc rằng con mình ăn rất nhiều cháo, mỗi bữa ăn gần một tô nhưng chẳng chịu lớn.

Có thể mẹ đã quên việc cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn cho bé, khiến bé bị thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng.

Việc thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển cơ xương, trí tuệ cũng như khả năng miễn dịch của bé.

Trẻ miễn dịch kém sẽ dễ mắc bệnh, mắc bệnh rồi sẽ lại biếng ăn, chậm phát triển.

Trong khi đó, giai đoạn 0-6 tuổi lại là giai đoạn phát triển vàng của bé.

Vì thế, các mẹ tuyệt đối không nên chủ quan.

Nguyên tắc 10: Dừng cho ăn khi trẻ đã no hoặc không hứng thú

Đây có lẽ là nguyên tắc cần rất nhiều sự kiên nhẫn từ bố mẹ.

Nghiên cứu khoa học ở Canada cho thấy, những trẻ bị ép ăn hồi nhỏ khi lớn lên sẽ dễ bị rối loạn ăn uống như chán ăn, biếng ăn.

Bạn cũng không cần lo là bé sẽ bị đói vì mỗi đứa trẻ sẽ có một lượng ăn khác nhau, tùy theo thể trạng và khả năng hấp thu.

Bé cũng tự cảm nhận được mức độ no và đói. Vì vậy, bạn không cần thiết phải ép bé bằng được.

Bên cạnh đó, việc ăn uống bị ép uổng sẽ tạo ra cảm xúc bức bối khó chịu cho bé.

Trong tình huống này, dạ dày của bé sẽ không tiết ra đủ lượng dịch vị cần thiết, khiến trẻ không thể tiêu hóa hoặc hấp thu hoàn toàn lượng thức ăn.

Bạn thấy không? Việc ép con ăn thực chất là vừa mệt cho mẹ, vừa cực cho con, lại không hiệu quả?

Hãy ghi nhớ điều này nhé!

Chapter 3

7 sai lầm khi cho con ăn dặm bố mẹ cần tránh tuyệt đối


Việc ăn uống hàng ngày của mỗi gia đình vốn đã khác nhau.

Vì vậy, cách cho con ăn đôi khi cũng chẳng ai giống ai.

Thật ra, điều này cũng không có gì to tát. Các bé rồi sẽ thích nghi với cách ăn uống của gia đình. 

Chỉ cần bạn đừng phạm phải 7 sai lầm dưới đây khi cho bé ăn dặm.

Sai lầm 1: Cho bé ăn quá nhiều dầu

Trong 3 năm đầu đời, bộ não của trẻ hoàn thiện đến 80% so với người trưởng thành.

Để phát triển thuận lợi, lượng chất béo trẻ cần hấp thu sẽ chiếm tới 40% khẩu phần ăn mỗi ngày.

Chất béo cũng là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu như A,E,D,K.

Vì vậy, bổ sung chất béo vào khẩu phần ăn của bé là điều tất yếu phải làm để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Mẹ chỉ nên cho bé dùng 5ml dầu ăn mỗi ngày (khoảng 1-2 thìa cafe) và không quá 4 ngày/tuần.

Nếu mẹ quá lạm dụng dầu ăn, bé sẽ bị đầy bụng, khó tiêu, thừa năng lượng kéo theo một số vấn đề khác.

Sai lầm 2: Quá ưu tiên đạm

Đạm động vật thường khó tiêu hóa. Vì vậy, điều dễ thấy nhất khi bé ăn quá nhiều đạm là hiện tượng táo bón, khó tiêu. 

Không chỉ có vậy, bé còn có thể bị tổn thương thận, thừa cân, béo phì, mất cân bằng dinh dưỡng, biếng ăn…

Như vậy, bổ sung bao nhiêu đạm cho bé là đủ?

  • Bé dưới 6 tháng tuổi cần khoảng 20-22g đạm 1 ngày
  • Bé từ 6-12 tháng tuổi cần từ 23-25g một ngày
  • Bé 1-2 tuổi cần 28-30g một ngày.

Sai lầm 3: Quá nhiều muối

Chuyện cho trẻ ăn mặn, ăn nhạt cũng là chủ đề khẩu chiến của không ít các mẹ chồng, nàng dâu.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, trẻ nhỏ không nên cho ăn mặn như người lớn. 

Khi các bé bú sữa thì sữa mẹ và sữa công thức đã đủ lượng muối để cung cấp cho bé.

Đến độ tuổi ăn dặm, các thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, nước hầm xương, rau cũng đã cung cấp đủ 20-40% nhu cầu về muối cho bé.

Vì vậy, đồ ăn dặm của trẻ không cần thiết phải cho muối. Nếu có, bạn chỉ cần 1,2 giọt nước mắm là đủ.

Sai lầm 4: Cho bé uống nước ép trái cây nguyên chất

Thật tuyệt vời nếu bạn bổ sung nước hoa quả trong bữa ăn dặm của con.

Nhưng hãy nhớ rằng, cơ thể của trẻ chưa thể tiếp nhận dạng nước ép nguyên chất như người lớn. 

Vì lượng đường quá cao có trong nước ép có thể sẽ làm bé đầy bụng và chán ăn. Thậm chí lượng vitamin C dư thừa còn khiến bé bị tổn thương men răng và sâu răng.

Nếu muốn cho con uống nước cam, khẩu phần thích hợp cho bé là nửa quả mỗi bữa.

Bạn có thể vắt nước cho con uống. Hoặc tốt hơn là cho con ăn cả múi để lấy được cả chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa.

Sai lầm 5: Hâm đi hâm lại đồ ăn cho bé

Thức ăn được hâm lại nhiều lần sẽ mất hết các dinh dưỡng cần thiết.

Vì vậy, dù bận bịu đến mấy, hãy cố dành thời gian để nấu đồ ăn mới thật tươi ngon cho bé.

Trong trường hợp bạn quá bận và không thể nhờ bất kỳ ai giúp đỡ, hãy chia sẵn phần đồ ăn cho 2 bữa riêng biệt trước khi cho bé ăn.

Nếu bé ăn không hết phần đã để dành, hãy dứt khoát đem bỏ nó đi.

Giữ lại phần thức ăn này cho bữa sau thực chất chỉ làm bé đầy bụng chứ không thể lớn được.

Sai lầm 6: Hầm xương ống để chế biến thức ăn cho bé

Mùi vị ngọt ngào hấp dẫn của nước hầm xương dễ làm các bà mẹ nhầm tưởng rằng nó rất bổ dưỡng.

Nhưng thực tế thì thành phần chủ yếu của nước hầm xương lại là chất béo.

Nếu bạn cho bé ăn nước hầm xương với đầy đủ cả thịt, rau thì bát cháo của bé đảm bảo sẽ thơm ngon và đủ chất.

Ngược lại, nếu không có thịt, rau, thậm chí xương mà bạn dùng là xương ống, các chất béo có rất nhiều ở loại xương này sẽ bám lại ở thành ruột và dạ dày của bé gây đầy bụng, chán ăn, thậm chí là rối loạn tiêu hóa.

Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn cho con ăn nước xương hầm thường xuyên mà con vẫn còi cọc, chậm lớn.

Sai lầm 7: Ép con ăn bằng mọi giá

Trẻ cảm thấy hào hứng hơn khi xem điện thoại, tivi.

Lợi dụng điều này nên một số bà mẹ sử dụng điện thoại, tivi như một công cụ đắc lực để dụ con ăn.

Chỉ cần bé chịu há miệng, nhai và nuốt hết bát bột là coi như mẹ hoàn thành nhiệm vụ.

Với một số trẻ bướng bỉnh hơn, các bà mẹ cũng dùng biện pháp mạnh hơn như dọa dẫm, mắng, thậm chí bóp miệng bé để đút bằng được miếng bột.

Thực chất, những hành động này không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà chỉ giúp bố mẹ giải tỏa được tâm lý khó chịu.

Về lâu dài, những hành động mang hơi hướng bạo lực này sẽ tạo ra sự sợ hãi và phản kháng của trẻ mỗi khi đến giờ ăn.

Đó chính là lý do các bố mẹ đã khiến con mình bị biếng ăn tâm lý.

Chapter 4

Những bát cháo bổ dưỡng nhiều màu sắc kiểu truyền thống

Thế nào là ăn dặm truyền thống?

Đối với phương pháp này, trẻ sẽ bắt đầu tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi với các loại bột và thức ăn xay nhuyễn như rau củ, thịt, cá…

Phương pháp này đòi hỏi mẹ phải rất khéo léo kết hợp các loại thực phẩm thật hấp dẫn từ màu sắc đến mùi vị.

Đặc trưng của phương pháp ăn dặm truyền thống

  • Nghe có vẻ hơi trái với tuyệt chiêu đầu tiên, nhưng thật ra không phải.
  • Tất cả những gì bạn cần làm là đừng để con có thói quen bỏ ngang khi đang làm.
  • Bạn có thể giúp con sắp xếp thời gian biểu phù hợp,
  • Để con có thẻ làm xong việc mà không trễ giờ.
  • Hai tuyệt chiêu này được kích hoạt cùng nhau sẽ tăng gấp đôi hiệu quả đấy!

Ưu điểm

  • Bữa ăn của bé luôn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
  • Cho bé ăn theo đúng giai đoạn sẽ tránh được trường hợp dạ dày phải làm việc quá sức từ sớm
  • Mẹ không mất quá nhiều thời gian để chế biến

Nhược điểm

  • Bé dễ cảm thấy chán ăn vì không cảm nhận được mùi vị riêng biệt của từng loại thực phẩm
  • Bé biết ăn thô muộn nên mẹ luôn phải chuẩn bị cháo bột mang theo khi đưa bé đi chơi
  • Bé không có thói quen tập trung ăn uống vì hay được ăn rong hoặc đưa đi chơi
Chapter 5

Công thức 7 món cháo hấp dẫn bé không thể chối từ


Cho bé ăn cháo theo ăn dặm truyền thống là cách tuyệt vời nhất để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé.

Tuy nhiên, chỉ dinh dưỡng là chưa đủ. Các mẹ cần trình bày bát cháo sao cho thật bắt mắt và mùi vị thật hấp dẫn nữa.

Và sau đây là công thức nấu 7 món cháo ngon tuyệt đỉnh chinh phục bé từ cái nhìn đầu tiên.

Món 1: Cháo cà rốt

Nguyên liệu:

  • 15ml cháo trắng loãng
  • ½ củ cà rốt

Cách nấu:

Bước 1: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn.

Bước 2: Sau đó, cho vào nồi cháo đã nấu chín, khuấy đều. Cho cháo ra ray mịn rồi cho ra bát, đợi nguội có thể cho bé dùng.

Món 2: Cháo rau ngót

Nguyên liệu:

  • 30ml cháo trắng loãng
  • 1 nhúm nhỏ rau ngót

Cách nấu:

Bước 1: Rau ngót xay nhuyễn, rây mịn.

Bước 2: Tiếp đó nấu cùng cháo trắng loãng, ray mịn rồi cho bé dùng khi nguội.

Món 3: Cháo cải bó xôi

Nguyên liệu:

  • 35ml cháo trắng loãng
  • 1 nhúm nhỏ lá rau cải bó xôi (bỏ cọng)

Cách nấu:

Bước 1: Rau bó xôi xay nhuyễn.

Bước 2: Đem rau đã xay mịn nấu cùng cháo trắng loãng, ray mịn rồi cho bé dùng khi nguội.

Món 4: Cháo đậu phụ

Nguyên liệu:

  • 40ml cháo trắng loãng
  • ½ bìa đậu phụ
  • 1 thìa cà rốt xay nhuyễn

Cách nấu:

Bước 1: Đậu phụ hấp chín, dằm nhuyễn, đánh tan trong nồi cháo.

Bước 2: Sau đó cho cà rốt (đã hấp chín, nghiền mịn), khuấy đều hỗn hợp cháo.

Bước 3: Sau đó rây mịn, cho ra bát, đợi nguội thì cho bé dùng.

Món 5: Cháo lòng đỏ trứng gà

Nguyên liệu:

  • 40ml cháo trắng loãng
  • 1 lòng đỏ trứng

Cách nấu:

Bước 1: Đánh lòng đỏ trứng ta ra bát.

Bước 2: Sau đó cho vào nồi cháo đang sôi, nấu chín.

Bước 3: Rây mịn, cho ra bát, đợi nguội thì cho bé dùng.

Món 6: Cháo thịt lợn

Nguyên liệu:

  • 40ml cháo trắng loãng
  • 1 ít thịt nạc
  • Cà rốt hoặc rau cải bó xôi tùy thích

Cách nấu:

Bước 1: Thịt lợn xay nhuyễn, hấp chín.

Bước 2: Xay nhuyễn phần rau.

Bước 3: Lần lượt cho thịt, cà rốt hoặc rau vào nồi cháo đang sôi. Rây mịn và cho bé ăn khi nguội.

Món 7: Cháo cà chua

Nguyên liệu cần:

  • 25ml cháo trắng loãng
  • 1 quả cà chua nhỏ

Cách nấu cháo:

Bước 1: Cà chua luộc chín (khứa dọc) để bóc vỏ, bỏ hạt, xay nhuyễn.

Bước 2: Sau đó cho vào nấu cùng với cháo, rây mịn rồi đợi nguội cho bé dùng.

Chapter 6

Rèn luyện vị giác cho bé với ăn dặm kiểu Nhật

Thế nào là ăn dặm kiểu Nhật?

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là sự phối hợp nhiều loại thực phẩm với nhau để tạo ra thực đơn hấp dẫn, đa dạng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.

Với phương pháp này, bạn sẽ không dùng đến cối xay mà sẽ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn cho bé dễ nuốt.

Đặc trưng của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

  • Bé được nếm và cảm nhận hương vị của từng loại thực phẩm riêng biệt
  • Mỗi loại thực phẩm sẽ để vào một khay riêng chứ không trộn lẫn như ăn dặm truyền thống
  • Bé ngồi ghế ăn, ăn tập trung, không ăn rong, vừa ăn vừa chơi

Ưu điểm

  • Bé cảm nhận được vị của từng loại thức ăn, khơi gợi được hứng thú khám phá của bé
  • Bé có khả năng ăn thô sớm
  • Bé ăn nhạt nên tránh hại thận
  • Bé ngồi ăn tự lập, có kỷ luật và tập trung khi ăn

Nhược điểm

  • Mẹ phải nấu nhiều món, chế biến riêng từng loại thức ăn
  • Việc tập ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng ở giai đoạn đầu khá khó khăn, nên bé sẽ tăng cân chậm
  • Mẹ phải chịu áp lực từ gia đình và người xung quanh khi theo phương pháp này
Chapter 7

Cách nấu 5 loại nước Dashi thơm ngon

Nước Dashi là nước dùng trong ẩm thực hàng ngày của người Nhật.

Cũng tương tự như người Việt, người Nhật thường sử dụng dashi để tăng hương vị thơm ngon hấp dẫn trong các bữa ăn hàng ngày. 

Dưới đây là nguyên liệu và cách nấu 5 loại nước Dashi giúp bữa ăn của bé thêm đậm đà.

Nước dùng Dashi rau củ

Nguyên liệu

  • 250g rau củ quả
  • 800ml nước.

Lưu ý: Hãy sử dụng các loại rau củ có vị ngọt như: su su, cà rốt, bí ngô, bí rợ, bắp cải, bắp ngô, hành tây, khoai lang, mướp, mía,...

Cách nấu: 

Bước 1: Rau quả mua về rửa sạch, cắt khúc, thải mỏng.

Bước 2: Chuẩn bị nồi nước 800ml rồi đun trên bếp. Cho rau lâu chín (cà rốt, bắp ngô, mía,...) vào trước, nấu trong khoảng 20 phút. 

Bước 3: Tiếp đó, bỏ các loại rau nhanh chín vào, như su su, mướp, bắp cải, khoai tây, khoai lang,... rồi nấu tiếp thêm 10 phút.

Bước 4: Sau khoảng 30 phút, tắt bếp, gắp từng loại rau củ quả ra ray hoặc nghiền.

Bước 5: Nước nấu xong để nguội. Sau đó, lọc qua ray thấm giấy rồi đổ vào khay để trữ đông.

Lưu ý: Tất cả loại rau làm nước Dashi rau củ có thời gian sử dụng tối đa 1 tuần.

Nước Dashi rong biển cá ngừ

Nguyên liệu:

  • 1 rây lọc
  • Rong biển kombu: 20g
  • Cá ngừ bào khô: 40g
  • Nước: 2 lít

Cách làm:

Bước 1: Rong biển đem ngâm nước lạnh từ 5 - 10 phút rồi để khô hoặc dùng khăn ráo nước lau sạch. Tiếp đó, cho rong biển vào nồi nước đun 2 lít trên bếp khoảng 5 phút rồi vớt ra. (Không đun lâu vì sẽ làm nước dùng dashi có vị đắng).

Bước 2: Cho cá ngừ bào khô vào nồi nước đang đun cho đến khi thấy cá chìm hết xuống đáy rồi tắt bếp. (Không đảo cá vì sẽ làm nước bị đục, mất ngon)

Bước 3: Lọc nước dùng dashi bằng rây lọc. Để lọc tự nhiên, không vắt để nước không bị đắng.

Nước Dashi rong biển Kombu

Nguyên liệu:

  • 1 rây lọc
  • Rong biển kombu: 20g

Cách nấu:

Bước 1: Rửa sạch rong biển Kombu  rồi cắt khúc từ  3-5 cm. Sau đó, ngâm trong nước ấm 500 - 800ml để miếng Kombu nở ra.

Bước 2: Cho tảo bẹ Kombu vào nồi rồi bắc lên bếp đun ở nhiệt độ vừa phải. Đun trong ngâm tảo bẹ kombu ở trên khoảng 10 – 20 phút. Sau đó, tắt bếp nếu thấy các bọt bóng sôi bắt đầu xuất hiện.

Bước 3: Vớt Kombu ra rồi dùng rây để lọc các sợi tảo bẹ, lấy nước dùng. Không để rong biển lâu trong nước vì sẽ làm nước dùng bị đắng và trơn nhầy.

Nước Dashi với cá ngừ khô katsuo

Nguyên liệu:

  • 1 rây lọc
  • 20g cá ngừ khô
  • 100ml nước

Cách nấu:

Bước 1: Đun sôi 500ml nước trên bếp. Vặn nhỏ lựa nếu thấy nước sôi.

Bước 2: Cho 10 – 20g katsuo vào nước đun sôi thêm 3 - 5 phút rồi tắt bếp.

Bước 3: Vớt katsuo ra, để nguội, lọc bằng rây để lấy nước dùng.

Nước Dashi từ nấm đông cô

Nguyên liệu:

  • 2-3 nấm đông cô khô
  • Khoảng 100ml

Cách nấu:

Bước 1: Dùng 1 cây cỏ hoặc bàn chải đánh răng để làm sạch bụi bẩn trên nấm, không dùng nước để lau. Tiếp đó, cho nấm đông cô vào bát (chén) nước 100ml

Bước 2: Đợi khoảng 15 phút rồi lấy nấm ra vắt sạch. Sau đó, cắt bỏ phần cuống nấm, dùng dao rạch 1 hình chữ thập trên thân nấm.

Bước 3: Dùng rây lọc nước đã ngâm nấm ra ta sẽ có được nước dùng dashi cho trẻ từ nấm.

Lưu ý: Nấm đông cô sau khi đã lọc hết chất dinh dưỡng có thể dùng để ăn tiếp, không nên vứt đi lãng phí.

Chapter 8

Bé tự lập ngay từ ngày đầu tiên khi ăn dặm BLW

Thế nào là ăn dặm BLW?

Ăn dặm BLW (Baby Led Weaning - hay còn gọi là ăn dặm bé chỉ huy) là phương pháp cho bé cơ hội được là người chỉ huy trong bữa ăn của mình.

Bố mẹ có vai trò chế biến và giới thiệu thức ăn cho bé.

Bên cạnh đó, bố mẹ sẽ quan sát các thói quen xấu cũng như đảm bảo sự an toàn cho bé.

Còn bé sẽ tự quyết định bản thân sẽ ăn cái gì và ăn bao nhiêu.

Đặc trưng của phương pháp ăn dặm BLW

  • Bé tự ăn ngay từ khi bắt đầu
  • Bé dùng tay bốc thức ăn lên miệng và tự xử lý thức ăn
  • Thời gian đầu, có thể bé chỉ bóp thức ăn để nghịch chứ chưa ăn
  • Khi lớn dần, bé sẽ không dùng tay mà chuyển sang thìa, nĩa để gắp thức ăn
  • Bé là người quyết định ăn gì và lượng ăn bao nhiêu, bố mẹ không ép
  • Bố mẹ cắt rau củ phù hợp theo tháng tuổi của bé
  • Dưới 1 tuổi, con có thể ăn ít vì tập trung vào luyện kỹ năng

Ưu điểm

  • Bé khám phá mùi vị, màu sắc, kết cấu của từng loại đồ ăn
  • Trẻ phát triển kỹ năng dùng tay một cách khéo léo kết hợp với mắt nhìn và miệng nhai
  • Trẻ sẽ biết cầm thìa xúc từ sớm
  • Bé sẽ ăn với khối lượng bé cần, với thời gian của riêng bé, tạo thói quen ăn uống tốt
  • Mẹ không cần mất thời gian chuẩn bị đồ ăn riêng cho con

Nhược điểm

  • Mẹ sẽ bị gia đình phản đối, nhất là với gia đình thích có con bụ bẫm
  • Bé có thể sẽ bị hóc, nghẹn khi chưa quen với đồ ăn
  • Mẹ dọn dẹp sẽ vất vả vì mỗi lần trẻ ăn xong sẽ rất bừa bãi
  • Mẹ cần chú ý vệ sinh tay cho trẻ, tránh mất vệ sinh dẫn đến tiêu chảy
Chapter 9

Thực đơn 7 ngày cho bé nhập tiệc BLW hào hứng


Nếu bé hứng thú với phương pháp ăn dặm BLW thì xin chúc mừng bạn.

Bởi phương pháp này sẽ giúp bạn cắt giảm rất nhiều thời gian nấu cháo, rây bột.

Bạn không cần phải chuẩn bị đồ ăn quá cầu kỳ.

Vì thức ăn của bé chính là đồ ăn giống như bố mẹ, ở phiên bản không nêm gia vị.

Nếu bí ý tưởng, bạn có thể tham khảo thực đơn BLW 7 ngày đầu tiên dưới đây.

Thực đơn ngày 1

  • Khoai tây hấp
  • Măng tây hấp
  • Táo nướng

Thực đơn ngày 2

  • Bí đỏ hấp
  • Bí ngòi hấp
  • Khoai lang tím hấp
  • Cá tilapia nướng lò vi sóng

Thực đơn ngày 3

  • Măng tây luộc
  • Súp lơ luộc
  • Lòng đỏ trứng tráng

Thực đơn ngày 4

  • Thịt viên chiên
  • Nui
  • Củ cải và măng tây luộc

Thực đơn ngày 5

  • Chả đậu xanh
  • Bí đỏ và củ cải trắng luộc
  • Quýt bóc vỏ, tách múi, bỏ hạt

Thực đơn ngày 6

  • Ớt chuông hấp
  • Bông cải hấp
  • Thanh long đỏ

Thực đơn ngày 7

  • Cơm nát trộn củ quả thập cẩm
  • Cánh gà chiên xù
  • Dâu tây
Chapter 10

Câu chuyện ăn dặm kiểu 3 trong 1 của mẹ con chị Kiều

“Kết hợp ưu điểm của 3 phương pháp ăn dặm giúp mẹ cùng bé vượt qua cuộc chiến ăn dặm dễ dàng”. (Chị Kiều 26 tuổi, tp HCM)

Quá trình tập ăn dặm của mẹ con chị Kiều

Khi mới tập ăn dặm, chị Kiều cho bé ăn dặm kiểu Nhật để bé Nick làm quen với mùi vị của từng loại thức ăn.

Đồng thời, chị cũng theo dõi được bé Nick có dị ứng với thực phẩm nào hay không.

Đến khi Nick đã quen ăn thô với cháo tỷ lệ 1:7 hoặc 1:5, chị kết hợp cho bé ăn theo phương pháp truyền thống.

Đến buổi tối, khi có nhiều thời gian, chị Kiều cho bé ngồi bàn ăn cùng gia đình và tập ăn BLW.

Chị cho bé ăn 2 bữa chính vào 10h sáng và 6h chiều, còn bữa phụ là khi bé ngủ trưa dậy.

Đến nay, bé Nick đã có kỹ năng cầm bốc thức ăn rất tốt. 

Bé ăn được hầu hết các loại thực phẩm và ăn được gần hết thức ăn trên khay.

Bé có thói quen ăn uống tốt, tự ngồi ghế và tập trung ăn đến khi cảm thấy no.

Những khó khăn của bà mẹ trẻ

Dù thành quả hiện tại rất ngọt ngào nhưng chị Kiều cũng gặp nhiều khó khăn khi cho bé ăn như bao bà mẹ khác.

Không phải lúc nào Nick cũng chịu hợp tác với mẹ.

Thỉnh thoảng con không chịu ngồi ghế, ăn vài muỗng rồi bỏ, khóc hất đổ đồ ăn.

Không nạt hay mắng con như một số bà mẹ khác, chị bình tĩnh và chọn tôn trọng quyền được đói của con.

Nick sẽ được mẹ cho 3 cơ hội. Nếu bé vẫn không hợp tác, bữa ăn sẽ kết thúc.

2 giờ sau, đến bữa tiếp theo, Nick mới được mẹ cho bú.

Chị Kiều cho rằng người mẹ phải kiên nhẫn và không sợ con đói mới thành công.

6 bí quyết của chị Kiều khiến con hứng thú ăn uống

  • Thay đổi thực đơn mỗi ngày để bé không bị ngán
  • Các cữ ăn và bú cách nhau khoảng 4 tiếng đồng hồ để bé đói và thèm ăn hơn
  • Không ăn vặt trước giờ ăn 2 tiếng
  • Không ăn rong, không tivi điện thoại, ăn không nước mắt, không áp lực việc tăng cân
  • Bữa ăn không quá 30 phút
  • Khi con từ chối, mẹ sẽ mạnh dạn dọn luôn, không ép trẻ ăn

Điểm qua thực đơn 3 in 1 “đốn tim” bé của chị Kiều

VÀ BÂY GIỜ LÀ CÂU CHUYỆN CỦA BẠN.

Bạn bị hấp dẫn bởi phương pháp ăn dặm nào trong 3 phương pháp trên đây?

Bạn sẽ cho bé trải nghiệm phương pháp ăn dặm 3 trong 1 như chị Kiều chứ?

Hành trình ăn dặm của 2 mẹ con bạn như thế nào?

Hãy comment vào dưới đây nhé.

Copyright - Wake

Instagram